Đế Chế 4 đã chính thức được Microsoft phát hành được gần một tháng. Thời điểm ra mắt, tựa game này đã tạo nên một sức hút vô cùng lớn đối với cộng đồng người yêu thích game chiến thuật trên toàn cầu. Lượng người chơi trên nền tảng Steam cùng lượng khán giả trên các nền tảng stream như Twitch, Youtube,... đã đạt đến những con số khá ấn tượng. Tuy nhiên tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các khán giả Đế chế 1, dường như Đế chế 4 không phải mối bận tâm với đại đa số người. Những game thủ hàng đầu của cộng đồng Đế chế 1 cũng không cho thấy bất kỳ tín hiệu nào rằng họ sẽ chơi thử Đế chế 4, ngoại trừ game thủ Chim Sẻ Đi Nắng. Song bản thân huyền thoại của AoE Việt Nam cũng chưa hề livestream chơi thử Đế chế 4 trên fanpage của mình. Bất chấp việc các nhà tài trợ trên Thế giới vung tiền tổ chức giải hàng chục ngàn USD, còn các game thủ từ AoE2, StarCraft, Age of Mythology,... cũng đổ xô đăng ký tham gia, dường như cộng đồng Đế chế 1 tại Việt Nam vẫn đang tỏ ra thờ ơ với những chuyển động xung quanh mình. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến điều này?
1. Yêu cầu cấu hình quá cao và cần trả phí
Trái ngược hoàn toàn so với Đế chế 1 - tựa game mà bất kỳ cỗ máy tính nào dù "cổ đại" đến đâu cũng có thể chơi tốt - thì Đế chế 4 lại đòi hỏi cấu hình tương đối cao. Để có thể chơi Đế chế 4 ở mức đồ họa tối thiểu, người chơi đã phải cần đến một CPU Intel i5 3.6 GHz 6-core hoặc AMD Ryzen 5 1600, bộ nhớ RAM ít nhất 16GB và Card đồ họa cũng tối thiểu phải là Nvidia GeForce 970 GPU. Ngoài ra, để có thể sở hữu trò chơi Đế chế 4, người chơi cũng phải bỏ ra ít nhất khoảng 500,000 VNĐ để mua trò chơi này. Với những bản nâng cấp và mở rộng, số tiền phải trả thậm chí còn lên đến hơn 1 triệu đồng. Đây quả thực là một vấn đề khiến nhiều người e ngại, nhất là khi mà cộng đồng Đế chế 1 vốn đã quen chơi miễn phí.
Chim Sẻ Đi Nắng và Clan SBS sẽ chơi Đế chế 4?
2. Khác biệt quá lớn về đồ họa
Ra đời sau hơn 20 năm so với Đế chế 1, dĩ nhiên Đế chế 4 phải sở hữu một nền tảng đồ họa vượt trội hơn hẳn, song đây cũng là vấn đề lớn với những người chơi tại Việt Nam vốn đã quá quen thuộc với chất đồ họa của trò chơi cũ. Về cơ bản, những chi tiết như nông dân, binh lính, cây cối, động thực vật và các công trình kiến trúc của Đế chế 1 tuy không quá chân thật nhưng lại tương đối dễ nhìn, dễ phân biệt với nhau, màu sắc game cũng tươi sáng và hài hòa. Trong khi đó, Đế chế 4 lại có thiên hướng đồ họa 3D, phong cách đồ họa có sự trộn lẫn giữa chân thực và hoạt hình. Điều đó khiến cho trò chơi này trở nên khá "hiện đại" nếu đem so với các dòng game eSports ngày nay, nhưng lại không dễ để chinh phục những người chơi trung thành của Đế chế 1.
Đế chế 4 có đồ họa bắt mắt nhưng không hấp dẫn được người chơi Đế chế 1
3. Khác biệt gameplay và tâm lý ngại đổi mới
Tất nhiên rồi, Đế chế 4 có gameplay khác biệt khá lớn so với Đế chế 1. Mặc dù trong game cũng có 4 loại tài nguyên cơ bản bao gồm thực, gỗ, vàng và đá, với nguyên lý chung của dòng game Đế chế là nông dân khai thác và tích lũy tài nguyên, người chơi sử dụng tài nguyên để xây dựng hệ thống quân sự và gây chiến nhằm giành được thắng lợi; tuy nhiên các công trình kiến trúc và quân đội trong game cũng khác biệt rất lớn so với các bản Đế chế trước. Đó là còn chưa kể đến các nền văn minh với những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau cũng đòi hỏi người chơi phải bỏ nhiều thời gian nghiên cứu mới có thể nắm rõ và áp dụng thi đấu. Cùng với tâm lý ngại thay đổi của nhiều khán giả/người chơi Đế chế 1, rõ ràng Đế chế 4 không đủ sức hút để người chơi "thử" một lần. Mặt khác, chính sự khác biệt cũng khiến cho những game thủ top đầu Đế chế 1 không muốn chơi thử, bởi rất có thể việc chơi cùng lúc nhiều loại game sẽ khiến cho phong độ Đế chế 1 của họ bị giảm sút.
Cộng đồng Đế chế 1 trung thành với Đế chế 1 và ngại thay đổi
Nhìn chung, sau một tháng ra mắt, Đế chế 4 đã cho thấy những sự ưu việt của trò chơi này. Đây cũng là một tựa game rất hứa hẹn khi mà nhà phát hành game đầu tư lớn cho nó. Nhưng ở Việt Nam và nhất là trong cộng đồng Đế chế 1, chỉ có một thứ tồn tại duy nhất, đó là trò chơi mà họ đang chơi, đang xem mỗi ngày.
Bài viết liên quan
BIG OFFLINE: HANOI FINAL 2024 là sự kiện ra mắt nền tảng chơi game Counter-Strike 2 mang tên G-Battle của GTV, đồng thời diễn ra Chung kết giải đấu AoE và CS2 lớn nhất năm với tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng
Mùa 16 là mùa đầu tiên có G-Shield song hành trong từng trận đấu và đã ghi nhận lượng người chơi cực kì đông đảo. Đây chính là bước đà không thể hoàn hảo hơn để cộng đồng AoE hướng tới mùa giải tiếp theo.
Sau 3 ngày thi đấu vô cùng nảy lửa và khốc liệt, AoE Cơm Canh Cà mùa 5 đã tìm ra được những VĐV xuất sắc hơn để góp mặt ở vòng loại 2.
Đăng nhập GPlay một lần duy nhất - Nhận ngay bộ giao diện Trung thu cực "chất"
AoE The Community Semi-Pro League lần 3 là một mùa giải rất đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên giải đấu có sự góp mặt của rất nhiều VĐV hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài, trong số đó có Nhật Bản.
Cục diện AOE Việt hiện tại ra sao với sự xuất hiện của team AOE Thiên Khôi Esports?
Ban tổ chức giải AOE Bán chuyên Hà Nội 2023 vừa thông báo đóng cổng đăng ký giải đấu.
Đọc nhiều