Với sự rầm rộ ngay từ trước ngày ra mắt của PES 2020, có vẻ Konami muốn công khai cho toàn thế giới biết rằng họ đang rất nghiêm túc trong cuộc chiến với FIFA. Từ việc bổ sung yếu tố thể thao điện tử (không quá cần thiết) eFootball trong tên gọi cho đến giao diện người dùng bóng bẩy, nhìn chung có nhiều thứ mới nhưng chưa chắc lạ được NSX thêm vào tựa game bóng đá này. Dù tung ra khá nhiều mánh lới tuyên truyền xung quanh trò chơi thế nhưng trên thực tế, thứ mà người hâm mộ quan tâm vẫn là PES 2020 sẽ làm được gì trên sân cỏ, nơi mà khả năng mô phỏng thực tế một trận banh vẫn luôn là điểm mạnh suốt nhiều năm qua.
Mang theo nhiều hy vọng về một sự cải tiến vượt trội hoặc ít nhất cũng tạo nên sự mới mẻ cho một thương hiệu đã quá già cỗi dù mỗi năm mỗi ra mắt một phiên bản. Nhưng sự kiểm chứng ngoài thực tế sau khi trải nghiệm trò chơi hơn nửa tháng cho thấy cuộc cách mạng thật ra đã tiêu tùng. Hãy nhìn nhận vào thực tế rằng bất chấp Konami có thêm thắt bất cứ thứ gì ngoài sân cỏ vào PES đi nữa thì chúng vẫn tỏ ra khá vô nghĩa khi vừa hời hợt lại thiếu tác dụng thực tiễn. May mắn thay chất lượng trận đấu hay các yếu tố có liên quan trực tiếp đến bóng đá thì vẫn ngon lành cành đào và đó cũng là lý do chính để fan hâm mộ tại châu Á vẫn tiếp tục ủng hộ PES 2020.
Trước khi nói về những thứ râu ria linh tinh mà Konami đã thêm vào PES 2020 hãy nói về mô phỏng chuyển động, thứ khiến cho cho dòng game này vẫn tiếp tục đứng vững trước sức mạnh kim tiền đáng sợ của gã hàng xóm ồn ào. PES 2019 đã thử nghiệm sự mới lạ khi đẩy nhanh tốc độ trận đấu lên, khiến đôi lúc người ta cảm thấy như bản thân đứng giữa một vụ oanh tạc của quân Đồng Minh tại Hamburg. Những ý kiến phàn nàn, dù ít gay gắt nhưng vẫn khiến Konami buộc phải điều chính cho mọi thứ trở nên chậm lại giống ngày xưa trong bản mới nhất.
Trong nhiều lĩnh vực khác, có thể tốc độ tỉ lệ luận với khả năng thành công nhưng ít nhất là PES, chạy nhanh chưa hẳn sẽ về đích trước. Tốc độ chậm cho phép game thủ có khả năng bình tĩnh phân tích cuộc chơi và quyết định xem bản thân nên tiếp cận theo hình thức nào. Trong PES 2019 việc xây dựng lối chơi từ phía sau, thông qua những đường chuyền được tổ chức từ hàng hậu vệ tương đối khó bởi nhịp độ trận đấu không cho phép. Người kế nhiệm của nó khiến việc này trở nên đơn giản hơn khi game thủ có thể thoải mái tự tin cầm bóng điều chỉnh nhịp độ trận đấu để triển khai lối chơi từ phần gần cầu cầu môn của phe ta một cách điệu nghệ.
Đây là một điều khá quan trọng bởi theo nhận định cá nhân của Mọt tui, AI của đối thủ máy trong PES 2020 trở nên tinh quái hơn rất nhiều. Nhìn chung nhanh, chuẩn, độc hay đơn giản nhưng hiệu quả chính là phương châm hành sự của CPU trong năm nay. Khi game thủ ghi bàn dẫn trước chúng sẽ tức giận và lồng lên với hy vọng gỡ hòa, qua đó gián tiếp gây sức ép cho hàng thủ. Ngược lại khi người chơi bất cẩn để thủng lưới trước, lũ máy sẽ đột nhiên ít tham vọng hơn hẳn và bắt đầu thực hiện kế hoạch phá hoại cách chơi bóng của đối phương.
Việc tốc độ trận đấu chậm lại là một điểm khiến trò chơi dễ ứng phó hơn với các game thủ ít kinh nghiệm hoặc không quen điều chỉnh phong cách thi đấu ngay tức khắc. Chúng ta có đủ thời gian tiếp cận để đọc trận đấu từ đó suy nghĩ được đối sách phù hợp với tình trạng hiện tại như tiến hành thay người, đổi trận hình hay ít nhất là điều chỉnh lại lối chơi của một cầu thủ nào đó cho hợp lý hơn. Nhìn chung Konami tiếp tục làm tốt việc giới thiệu cho thiên hạ thấy làm thế nào để họ biến một trận banh trong trò chơi điện tử trở nên ngày càng giống với thực tế. Tất nhiên phần hình ảnh được cải thiện đáng kể cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phi vụ này.
Thông thường những tay chơi quen thuộc với FIFA vẫn hay phàn nàn vì sao PES lại có quá ít những pha cắt cảnh khi cần thiết. Điều này đã được giải quyết tương đối ổn thỏa trong năm nay khi PES 2020 cho thấy những đoạn cắt cảnh được thực hiện trước trận đấu với những yếu tố như sân vận động, khán giả, hoạt động tại đường pitch, các cầu thủ khởi động… tất cả những chi tiết tưởng chừng rất nhỏ nhặt này đã khiến cho phần gameplay của PES 2020 trở nên viên mãn. Được hỗ trợ đắc lực bởi những đoạn phim cắt cảnh nhưng cũng phải công nhận một điều là hình ảnh của các sân vận động lẫn cầu thủ cũng được thực hiện hết sức hoàn hảo, nhất là với những nội dung được mua bản quyền. Tuy nhiên phần bình luận trận đấu vẫn chán nản và buồn thảm y hệt như phiên bản năm ngoái. Không rõ vì lý do gì mà Konami đã khắc phục khá nhiều khuyết điểm của phần gameplay nhưng phần bình luận trước, trong và sau trận đấu vẫn không được cải thiện chút nào.
Cải thiện hình ảnh trò chơi có thể thấy dấu vết ở nhiều khu vực khác, chẳng hạn như phần giao diện mới hết sức sang chảnh của PES 2020. Trước đây những fan hâm mộ trung thành của đá banh Nhật vẫn luôn ước ao giao diện trực quan, tinh tế nhưng không kém phần hữu dụng của FIFA thì hiện tại họ vẫn tiếp tục hâm mộ. Nhưng nếu so sánh với giao diện vừa cũ, vừa xấu, vừa rối của PES 2019, phiên bản mới nhất đã có sự thay đổi cực lớn về mặt thẩm mỹ khiến chúng trở nên thanh thoát và tối giản hơn rất nhiều. Thực tế mà nói cái giao diện người dùng xấu thấy gớm của PES đáng lý nên được thay đổi từ lâu lắm rồi nhưng dù gì đi nữa hãy cùng nhau ăn mừng bởi kể từ PES 2020 chúng ta không còn phải chịu đựng chúng thêm phút giây nào nữa
Khi phần hình ảnh và mô phỏng chuyển động được đánh giá cao vì những thay đổi hợp thị hiếu, vẫn còn đó những nghi ngại về các yếu tố đã “quá hạn” như Master League nhưng chưa thấy được ánh sáng hy vọng từ sự cải tiến. Liệu Konami có chịu ngó ngàng qua những thứ cũ kỹ này và cải tiến để chúng lấy lại ánh hào quang của ngày xưa hay không? Đáng buồn và thất vọng thay khi câu trả lời vẫn là không.
Thực tế NSX Nhật Bản cũng có chút cố gắng khi thay đổi một vài thứ như giá chuyển nhượng của cầu thủ trong Master League giờ đây đã bớt ảo cũng như cập nhật sát với thị trường hay những cuộc đàm phán mua bán cầu thủ giữa các câu lạc bộ nay đã có không khí của những cuộc mặc cả. Có phủ đầu tâm lý, có sử dụng ngôn ngữ thương thuyết, có đánh vào lòng tham của cầu thủ, đó mới thật sự là một cuộc chuyển nhượng có thể tốn vài tháng với hàng tá bút mực của những tờ báo thể thao lá cải chứ không còn là ném ra những khoản tiền phi lý xung quanh lương tuần, thưởng hay lót tay sau đó dễ dàng lấy được cầu thủ mà bản thân HLV (người chơi) mong muốn nữa, đời đâu có đơn giản như vậy.
Tuy nhiên chẳng hiểu vì lý do gì, khi tính thực tế trong các cuộc chuyển nhượng được nâng cao thì những đoạn phim cắt cảnh lại không thể hiện được giá trị vốn có của nó. Trên sân cỏ, những cutscenes đã thể hiện bản thân là một người đồng đội đáng tin cậy khi hỗ trợ cho những cuộc so tài trở nên thi vị hơn. Nhưng than ôi cũng là những đoạn cutscenes ấy khi chuyển nhượng trong Master League lại trở nên ngáo ngơ, nhàm chán và lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác. Trong vài lần chuyển nhượng đầu tiên, có lẽ bạn sẽ quan tâm đến cắt cảnh để xem thái độ cầu thủ có biến hóa gì khi HLV đưa ra đề nghị hay không nhưng bạn sẽ nhanh chóng chán và tua qua sau vài vụ mua bán bởi thực tế chúng giống nhau như đúc cũng như không có bất kỳ giá trị sử dụng nào. Vẫn còn ấm ức vì cái sự ngáo trong chuyển nhượng dù có cải tiến chút ít, người chơi sẽ tiếp tục thất vọng bởi những thứ khác hầu như không có bất cứ thay đổi gì. Bạn có thể đang chơi Master League của PES 2020 nhưng ngẫm lại nó có khác gì so với với PES 2019, 2018 hay xa hơn về trước đâu?
Bên cạnh Master League, myClub vẫn là sự bảo thủ đáng khinh của Konami bất chấp yếu tố có vẻ mới mang tên Matchday. Ừ thì khi được giới thiệu bởi những lời đường mật của NSX về một chế độ hấp dẫn hoàn toàn mới, đám game thủ đã rất háo hức chờ đợi tuy nhiên khi trải nghiệm thực tế rồi mới cảm thấy hóa ra nó không thú vị như khi còn là lý thuyết. Ngay cả khi NSX đã đổ rất nhiều tài nguyên về vật chất lẫn nhân lực cho Matchday thì tất cả những gì mà người ta cảm thấy nó trông giống phần phụ trương quảng cáo đính kèm có cũng được mà thiếu cũng chẳng sao của tờ báo lá cải hay ra mắt vào các ngày thứ 2,4,6 và CN của quốc gia nào đó.
Tóm lại vấn đề của PES 2020 là trò chơi có cải tiến ở nhiều lĩnh vực nhưng đáng buồn thay chẳng yếu tố nào thật sự xuất sắc để để trở nên nổi bật. Nếu có ai đó phản bác rằng gameplay vẫn sở hữu nhiều cải tiến đáng kể thì họ nói cũng đúng nhưng xui cho Konami bởi đây lại là điểm mạnh muôn thuở dòng game PES. Bây giờ nếu muốn thấy được tiến bộ vượt bậc khi cải tiến trong lối chơi thì làm hẳn tựa game mới có khi còn dễ hơn. Trong một diễn biến khác, myClub có cải tiến, Master League có cải tiến nhưng vẫn còn nhiều thứ bất cập và tất nhiên khuyết điểm đã che mất ưu điển khiến chúng ta có cảm giác như Konami làm việc kiểu xuất công không xuất lực, kết quả cuối cùng chẳng ra gì. Những yếu tố không hề được cải tiến như phần bình luận trận đấu thì chắc không cần kể để mắt không thấy thì tâm đỡ phiền vậy.
Nhìn chung PES 2020 cũng tốt nhưng không khác nhiều so với PES 2019, ngoại trừ những cầu thủ mới chuyển nhượng. Hy vọng PES 2021 trên hệ máy console hoàn toàn mới sẽ mang lại điều gì đó thật sự đáng kinh ngạc để mọi người phải há hốc mồm, còn năm nay thì bất quá cũng như năm trước mà thôi.
Bài viết liên quan
Ngày mai, 10/06, đội tuyển PES Việt Nam sẽ chính thức tham dự Vòng Loại Đông Nam Á ASIAD 2018.
Bản quyền của hai đội bóng thành Milan sẽ tiếp tục có hiệu lực cho hết các phiên bản eFootball và PES 2020.
Kĩ năng cầu thủ (Playing Skill) chính là điểm khác biệt giữa những cầu thủ tài năng nhất và phần còn lại trong PES 2020. Đây cũng chính là một yếu tố bạn nên xem xét khi chọn lựa cầu thủ cho đội hình myClub của mình.
PES Miền Bắc Open 2018 là một giải đấu quy tụ những PES thủ hàng đầu cả nước tham gia thi đấu, đây không chỉ đơn thuần là một giải đấu bình thường, mà nó còn mang trong mình một điều đặc biệt, đó là đương kim vô địch của giải đấu sẽ được một xuất tham dự PES LEAGUE SEA 2018 tổ chức tại Malaysia cùng với 3 game thủ đã được chọn trước.
Đọc nhiều