Sau 881 ngày với 10 cặp trận liên tiếp thất bại trước T1, KT Rolster cuối cùng cũng được nở nụ cười chiến thắng trong “Đại chiến viễn thông”. Mất chưa tới một tiếng đồng hồ, đội tuyển từng 2 lần vô địch LCK đã chứng minh cho tất cả thấy khi đội hình gồm toàn những cá nhân kỳ cựu lại sở hữu kỹ năng cực tốt tìm được tiếng nói chung, họ trở nên đáng sợ và gắn kết tới thế nào.
Còn riêng về phần T1, thất bại trong “Đại chiến viễn thông” hôm thứ 7 vừa qua là một cú sốc rất lớn với đội tuyển này. Rõ ràng tập thể này đang bộc lộ ra nhiều vấn đề về chuyên môn kể từ MSI 2023 đến nay.
Cụ thể trong ván đấu đầu tiên, T1 hầu như không tạo được áp lực về phía KT Rolster dù sở hữu đội hình có khả năng đánh chủ động từ sớm với Renekton, Kindred, Neeko hay Nautilus. Rồi Oner trong thời điểm phong độ không tốt đã có tình huống Trừng Phạt thua trước Cuzz ở bùa lợi rồng đầu tiên. Kéo theo hệ quả sau đó, Faker và Oner để lại hai mạng vào gục vào tay Zeri của Aiming. Từ pha giao tranh thất bại này, T1 gần như bất lực trong việc ngăn cả KT có được thêm hai bùa lợi Rồng và bị rơi vào thế buộc phải đánh giao tranh ở ngưỡng đối thủ chuẩn bị có Linh Hồn Rồng Hóa Kỹ.
Lượng tiền thua kém ở vị trí xạ thủ chủ lực không cho phép T1 giao tranh chiến thắng khi Bdd và Kiin hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phò tá cho Aiming hủy diệt hoàn toàn đội hình của nhà đương kim Á quân. Phần còn lại của ván đấu chỉ đơn giản là cách KT kiểm soát các mục tiêu lớn, ép giao tranh gần như hoàn hảo và hoàn toàn bóp nghẹt T1 để giành chiến thắng trong ván đấu đầu tiên.
Mọi thứ được T1 cố gắng cải thiện trong ván đấu thứ 2 khi có lựa chọn thuận tay Azir dành cho Faker, cặp đôi đường dưới đánh giao tranh 2 vs 2 cực mạnh là Xayah - Rakan cùng với đó là Kha’Zix của Oner để cố gắng hình thành đội hình đánh giao tranh sớm xoay quanh các mục tiêu và bắt lẻ. Tưởng như mọi chuyện đã đi đúng quỹ đạo khi Faker solokill thành công Bdd ở đường giữa, rồi chỉ sau đó vài giây Gumayusi cũng có được điểm hạ gục ở đường dưới. Tuy nhiên tất cả chỉ là khởi đầu cho một cơn ác mộng sau đó T1 phải nhận.
Bdd với Twisted Fate liên tục có những tình huống đảo đường hiệu quả với chiêu cuối Định Mệnh giúp KT gỡ lại 2 mạng nhanh chóng. Đường dưới của KT từ đó cũng giành lại lợi thế và dồn được rất nhiều tài nguyên cho Aiming. Bên cạnh đó, khu vực đường trên với lựa chọn cực lỗi K’Sante của Zeus cũng tỏ ra vô hại trước Malphite lì lợm trong tay Kiin.
Để rồi tới pha giao tranh rồng nguyên tố thứ 2 sau đó, cơn ác mộng của ván đấu thứ nhất lại lặp lại. Vẫn là Oner trừng phạt thua Cuzz, T1 dù đã cố thay đổi kịch bản bằng cách ép giao tranh 4 vs 4 nhưng khi Kiin dùng phép bổ trợ Dịch Chuyển tới và Không Thể Cản Phá trúng Gumayusi, tât cả đã chấm dứt với T1. Chưa đầy một giờ đồng hồ thi đấu, đúng “4h đánh, 6h phỏng vấn” nhưng cái kết này thật quá sức cay đắng với các fan T1. Mọi điểm yếu của T1 từ đầu mùa giải tới giờ đều đã bị phơi bày trong cả hai ván đấu vừa qua tại “Đại chiến viễn thông”.
Zeus tiếp tục có một màn thể hiện nhạt nhòa, không tạo được ảnh hưởng ở những thời điểm mà đội cần anh nhất. Dẫu biết đây là meta mà các tướng đường trên không thể tạo ảnh hưởng nhiều với khả năng gánh đội, tuy nhiên nhìn cách Zeus thi đấu trước KT hay trước đó là Gen.G ở Mùa Hè này, rõ ràng khả năng tạo ảnh hưởng của Thần sấm giờ đã không còn như những mùa giải trước.
Trong khi đó, khả năng phối hợp của trục rừng - đường giữa: Oner - Faker tỏ ra hết sức bất ổn. Họ hầu như không tạo được sức ép lên các đối thủ, mắc rất nhiều sai lầm trong di chuyển và xử lý kỹ năng. Đặc biệt khả năng dánh tướng ăn thịt thời gian gần đây của Oner gặp rất nhiều vấn đề. Hầu như anh không chuyển hóa được lợi thế chất tướng thành các mục tiêu lớn hay giúp cho một đường nào đó có được ưu thế.
Điểm tựa trong nhiều mùa giải qua là khu vực đường dưới với Gumayusi và Keria cũng không còn đàn áp các đối thủ như trước đây. Nếu như chỉ mới mùa giải trước, hai người họ thừa sức “đi trên đầu trên cổ” phần còn lại với những tình huống duo kill đẹp mắt hay lăn cầu tuyết ấn tượng với lợi thế dù chỉ là nhỏ nhất, thì ở mùa giải này họ chưa thể hiện được điều đó trong những trận đấu gặp các đối thủ trực tiếp.
Gumayusi luôn là nhân tố thi đấu ổn định và tỏa sáng mỗi khi T1 cần. Nhưng khi anh không đạt trạng thái phong độ cao nhất, chẳng ai có thể giúp anh sửa sai. Còn “quái vật thiên tài” Keria đang dần đánh mất đi khả năng tạo đột biến vốn là thương hiệu của mình trước đây.
Hiện Keria mới chỉ sử dụng 6 vị tướng ở mùa giải này, phần lớn trong số đó đều là các tướng trong meta chứ không hề có một lựa chọn nào mang tính đột phá như các xạ thủ hỗ trợ ở Mùa Xuân. Điều đáng nói là Keria chỉ đạt tỷ lệ thắng 50% trở lên với các tướng mang thiên hướng buff như: Milio, Yuumi và Lulu. Còn khi sử dụng Rakan, Blitzcrank và Nautilus tỷ lệ thắng thực sự rất thấp.
Có một điều mà những người yêu T1 cần nhớ là trừ mùa giải 2016, mỗi khi T1 bị KT đánh bại ở vòng bảng, đó luôn là mùa giải giông bão với đội tuyển giàu thành tích nhất lịch sử LMHT. Chẳng hạn như năm 2018, họ thất bại 4 trên 5 cuộc đối đầu với KT Rolster. Kết quả sau đó hẳn ai cũng nhớ, T1 phải ở nhà xem CKTG và có lần đầu tiên cũng như duy nhất cho tới nay không lọt qua nổi vòng bảng LCK.
Tiến tới năm 2021, tại LCK Mùa Xuân, dù trận thua 2 - 1 không làm T1 mất vé vào Playoffs, tuy nhiên đó là một trong những mùa giải bất ổn nhất mà những người yêu T1 từng chứng kiến. Đội hình liên tục xáo trộn, lối chơi không được định hình rõ ràng, hơn thế nữa là những bất ổn giữa HLV và các tuyển thủ kéo dài tới tận nửa đầu Mùa Hè cùng năm.
Nên nhớ, T1 ở các mùa giải Mùa Hè chưa bao giờ mang lại niềm vui cho khán giả của họ. Họ thất bại 3/6 trận chung kết ở giai đoạn này, mùa duy nhất không lọt qua vòng bảng LCK cũng diễn ra vào Mùa Hè 2018. Đặc biệt năm 2023 này, CKTG sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc. Trong cả 2 lần trước đó vào các năm 2014 và 2018, T1 đều lỡ hẹn với giải đấu LMHT lớn nhất năm trên quê nhà.
Vì thế những bất ổn trong thời gian tới cần được T1 khắc phục ngay lập tức nếu như họ còn muốn nghĩ tới một tấm vé tham dự CKTG 2023 hoặc một chức vô địch nào đó trong năm 2023 này.
Bài viết liên quan
Riot Games xác nhận MSI 2024 sẽ được tổ chức tại Trung Quốc, đồng thời hé lộ những đổi mới về giải đấu LMHT lớn nhất của mùa giải 2024.
Faker và T1 sẽ phải đánh bại 4 nhà vô địch ở 4 khu vực lớn nếu muốn giành chức vô địch MSI 2024, và đối thủ đầu tiên là Team Liquid.
Tuy giành được chức vô địch EWC 2024, thế nhưng T1 lại khiến fan vô cùng thất vọng tại sân nhà LCK khi tiếp tục thất bại trước HLE ở trận lượt về đầu tiên của đội tuyển này tại vòng bảng LCK Mùa Hè 2024.
VKE đụng độ một đối thủ khó ngay trong ngày ra quân là MAD - hạt giống số 3 của LEC và phải xuống nhánh thua. Cơ hội chưa hẳn đã hết nhưng dự báo tương lai của VKE cũng không mấy khả quan.
Riot Games đã trở lại phong cách "công ty làm phim" phim ngắn cho mùa giải mới vừa ra mắt đã cực kỳ thu hút sự chú ý của cộng đồng LMHT.
Người chơi Đường Giữa của Team Liquid - APA không hề có thành tích thi đấu xuất sắc gì nhưng nổi bật vì "mỏ hỗn" khi liên tục trở thành tâm điểm gây chú ý.
Ngay sau khi MSI 2024 vừa khép lại, Esports World Cup 2024 đã công bố 8 đội tuyển được mời đến tranh giành chức vô địch LMHT tại Ả Rập vào tháng 7 tới khiến các fan ngỡ ngàng khi nó chẳng khác nào giải đấu MSI vừa rồi..
Đọc nhiều