Định mệnh đã đưa Đoàn Mạnh An trở thành một bình luận viên (BLV) thể thao điện tử (eSports) chuyên nghiệp.
Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng Marketing vài năm về trước, Mạnh An trở thành một nhân viên văn phòng, cắm mặt với công việc bàn giấy. Đó không phải là con đường mà anh mong muốn, nên anh quyết định nghỉ việc.
"Trong khoảng thời gian sau khi nghỉ việc, tôi ở nhà, theo dõi những BLV LMHT, và vô tình nhìn thấy một quảng cáo tuyển dụng của Vietnam Esports TV cho vị trí BLV. Tôi quyết định bắt lấy cơ hội đó", anh nói. "Khi ấy, eSports không phải là một cụm từ phổ biến tại Việt Nam như bây giờ".
Trong 5 năm qua, Mạnh An là một trong những BLV nổi bật nhất của eSports Việt Nam. Anh đã tham gia bình luận ở nhiều giải đấu lớn như Vietnam Championship Series A - giải đấu LMHT chuyên nghiệp danh giá nhất Việt Nam, và Mid-Season Invitational 2019, giải đấu quốc tế được tổ chức tại Việt Nam vào giữa năm nay.
Mạnh An hiện đang làm việc cho Vietnam Esports TV, công ty con của Garena - nhà phát hành LMHT tại Việt Nam. Là một BLV, công việc chính của anh là tường thuật những tình huống đang diễn ra trong một trận đấu LMHT chuyên nghiệp. Mỗi trận đấu như vậy thường kéo dài trong khoảng 35 phút, và Mạnh An sẽ lí giải tại sao đội tuyển đó lại lựa chọn đội hình như vậy, cũng như phân tích về chiến thuật đang diễn ra: tấn công, hay phòng ngự.
Được coi là kênh truyền hình hàng đầu về eSports tại Việt Nam, Vietnam Esports TV có gần 3 triệu lượt đăng kí trên YouTube, thu hút gần 2 tỷ lượt xem, với con số 650,000 lượt xem trung bình cho mỗi video.
Ở Việt Nam, trò chơi điện tử thường được xem như một loại hình giải trí, chứ không phải một thứ để theo đuổi trong sự nghiệp. Dù là một tuyển thủ chuyên nghiệp, hay chỉ là một người chơi bình thường, họ đều phải chịu những định kiến vì sự khác biệt về thế hệ.
Và rồi, có một nhóm những người trẻ nhìn nhận trò chơi điện tử nhiều hơn một môn giải trí đơn thuần, mà là sự nghiệp mà họ sẽ theo đuổi, trong những vai trò khác nhau: BLV, tuyển thủ, hay nhà phát triển. Và với sự bùng nổ công nghệ đang diễn ra tại Việt Nam, một ngành công nghiệp mới đang dần được mở rộng - ngành công nghiệp eSports.
Nơi mà những BLV và tuyển thủ eSports phải chịu nhiều áp lực nhất chính là gia đình họ. Công việc của họ quá mới mẻ. Nó chỉ mới xuất hiện trong chưa đầy một thập kỉ gần đây. Với sự ra đời của Hiệp Hội Thể Thao Điện Tử Giải Trí Việt Nam (VIRESA) vào năm 2009, eSports đã được công nhận là một môn thể thao thi đấu. Dù vậy, nhiều người vẫn chưa chấp nhận eSports như những môn thể thao truyền thống khác.
Cũng giống như trường hợp của Mạnh An, BLV Thắng Thép - người đang làm việc tại Appota (một nhà phát hành game tại Việt Nam) - đã phải trải qua một thời gian dài bị chính gia đình mình hoài nghi về công việc hiện tại. Mạnh An và Thắng Thép đều nhớ những kỉ niệm khi họ bị gia đình "bắt" tại quán game vì chơi game quá nhiều lúc thiếu thời. Kể cả ở hiện tại, khi đã có một sự nghiệp ổn định, cả hai vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi sự nghi hoặc của gia đình mình.
"Mẹ tôi vẫn hay nhắc về việc tôi thường xuyên chơi game. Những lúc ấy, tôi phải "nhắc khéo" với mẹ rằng đó là công việc của tôi hiện tại", Mạnh An chia sẻ.
Công việc của những BLV không chỉ dừng lại tại đó.
"BLV không cần phải là một tuyển thủ xuất sắc, nhưng họ cần phải có một cái nhìn chính xác về những diễn biến trong trò chơi", Thắng nói. Thần tượng của anh là Trevor "Quickshot" Henry, một trong những BLV đầu tiên của LMHT thế giới. Chất giọng Nam Mỹ đặc trưng của Quickshot đã thu hút rất nhiều người xem qua các kì chung kết thế giới LMHT.
Trước khi làm việc tại Appota, Thắng đã tự tích luỹ kinh nghiệm bằng việc bình luận các trận đấu game đối kháng tại Hà Nội.
"Bạn cần phải làm chủ vốn từ vựng về trò chơi, và cũng cần phải chơi tựa game đó thật nhiều để tìm hiểu những kiến thức mới", Thắng nói. "Tôi không chuẩn bị quá nhiều trước khi bình luận mỗi giải đấu. Mọi thứ đến với tôi một cách tự nhiên, vì tôi đã chơi rất nhiều để tăng vốn kiến thức và sự thông thuộc với trò chơi rồi".
Nhiều BLV cũng phát trực tiếp và tương tác với người hâm mộ, như một cách để tập luyện và không bị lạc lõng khỏi cộng đồng. Lịch làm việc trong môi trường này khá linh hoạt, và những BLV có cơ hội để trải nghiệm rất nhiều điều mới mẻ.
Khoảng hai năm về trước, Mạnh An được mời tham gia một mạng lưới hoàn toàn mới: Facebook Gaming. Mạng lưới đó quy tụ gần 500 người sáng tạo nội dung liên quan đến game tại Việt Nam. Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất tại Việt Nam, và những streamer trên Facebook Gaming đã thu hút hàng triệu lượt xem.
Trong cộng đồng game, những streamer nổi lên trở thành ngôi sao chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Những ngôi sao streamer nổi bật nhất Việt Nam - như ViruSs, PewPew, và Misthy - thu hút hàng triệu người theo dõi trên các nền tảng streaming, có được những hợp đồng tài trợ từ những hãng nước giải khát hay thiết bị chơi game, và làm việc trong các công ty sáng tạo nội dung.
Mạnh An tin rằng anh có một lí lịch tuyệt vời khi xuất thân từ một BLV. Anh luôn cố gắng để có được những cảm nhận tốt nhất về trò chơi, trong khi không quên việc trò chuyện cùng người hâm mộ. Những streamer luôn phải cập nhật những xu hướng mới nhất, và trui rèn tâm lí để sẵn sàng đối mặt với những phản ứng tiêu cực.
Tại Việt Nam, bóng đá vẫn là môn thể thao phổ biến nhất, và mọi người thường biết đến những BLV bóng đá nổi tiếng, dù phần đông trong số họ không theo dõi quá nhiều trận bóng. Có lẽ - chỉ là có lẽ - rằng những BLV eSports cũng có thể có được sự công nhận từ cộng đồng như vậy trong tương lai.
Không có một công thức cụ thể nào để trở thành một BLV eSports hay một streamer thành công. Với Mạnh An, đó là khiếu hài hước. Với Thắng Thép, đó là sự chân thành trong tính cách của anh.
"Việc nắm bắt những mong muốn của người xem chính là chìa khoá", Mạnh An nói. "Từ khi chuyển sang chơi Đấu Trường Chân Lý, tôi có nhiều thời gian hơn để trò chuyện cùng người hâm mộ của mình, vì nhịp độ của tựa game này không quá nhanh".
Hầu hết giới trẻ Việt Nam lớn lên cùng trò chơi điện tử. Trước khi Internet trở nên phổ biến như hiện tại, những người trẻ thường tụ tập ở những điểm truy cập Internet để chơi game hàng giờ đồng hồ.
Kết nối Internet tại Việt Nam ngày càng trở nên rẻ hơn, đi kèm với tốc độ cao hơn. Facebook và YouTube cũng xuất hiện tại Việt Nam. Những tựa game cũng dần được phát hành trên toàn cầu, nhờ đó giới trẻ Việt Nam có thể tải và chơi game như mọi người khác trên Trái Đất. Tựa game nổi tiếng Flappy Bird được tạo ra bởi Nguyễn Hà Đông vào năm 2013 đã đưa Việt Nam xuất hiện trên bản đồ trò chơi di động thế giới.
Hiện tại, công ty kì lân duy nhất tại Việt Nam là VNG. Những startups khác về game tại Việt Nam có thể kể đến như Appota, VTC Game, và SohaGame. Garena đã hoạt động tại Việt Nam trong gần một thập kỉ qua. Những nhà phát hành game đổ tiền để đạt được những danh hiệu eSports lớn, giống như cách những nhà tài trợ làm.
Theo báo cáo của Appota vào năm 2018, có tổng cộng hơn 18 triệu người chơi eSports tại Việt Nam vào năm ngoái, và có hơn 8 triệu người xem trực tiếp game ít nhất một lần một tuần. Với khoảng 51 triệu thuê bao 3G và 4G, cùng khoảng 32,8 triệu người chơi game, Appota ước tính rằng cứ hai người dùng dùng Internet tại Việt Nam, sẽ có một người chơi các tựa game như PUBG Mobile, Liên Quân Mobile, hay Free Fire trên các thiết bị di động của họ.
Báo cáo của Appota cũng trích dẫn thống kê của hãng phân tích Newzoo, xếp hạng Việt Nam là thị trường game lớn thứ 28 trên thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2017. Năm ngoái, tổng doanh thu từ thị trường game và eSports đạt xấp xỉ 365 triệu đô la Mỹ.
Chris Trần, trưởng bộ phận eSports của Riot Games Đông Nam Á, cho rằng Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng, vì hội tụ những yếu tố như dân số trẻ, niềm đam mê mãnh liệt với game, và một cộng đồng mạnh. Vào năm 2018, Riot Games chính thức công nhận Việt Nam là một khu vực riêng của LMHT thế giới.
Jason Ng, phó giám đốc đối ngoại tại Garena, cho rằng chức vô địch của Team Flash tại giải đấu Arena of Valor World Cup 2019 đã chứng minh sự tài năng của những tuyển thủ eSports Việt Nam. Việt Nam cũng có đại diện tham dự giải đấu Free Fire World Series được tổ chức bởi Garena tại Brasil.
Chính thức phát hành hai năm về trước, Sea khẳng định rằng tựa game bắn súng sinh tồn Free Fire sẽ mang về doanh thu hơn 1 tỉ đô la Mỹ, với động lực là sự phát triển của các thị trường Đông Nam Á, Mỹ-Latin và Ấn Độ. "Cùng với phần còn lại của Đông Nam Á, eSports Việt Nam đang có tốc độ phát triển rất cao", Ng nói. "Một tựa game khác là Liên Quân Mobile cũng đang là tựa game di động số một tại Việt Nam và khu vực".
Báo cáo về nền kinh tế số của Google, Temasek, và Bain & Company dự báo rằng thị trường trò chơi trực tuyến tại Đông Nam Á sẽ đạt mốc 9 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Những chuyên gia trong lĩnh vực này nhận định rằng Việt Nam sẽ là nhân tố chính trong thị trường đầy màu mỡ này.
Ng cũng bổ sung thêm rằng eSports đang nhận được những sự ủng hộ tích cực từ nhà nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, eSports được xem là môn thể thao tranh huy chương tại SeaGames 30 - sẽ chính thức khai mạc từ ngày 30/11.
Nhưng dù cho những tiềm năng to lớn, vẫn còn đó những sự hoài nghi từ cộng đồng mà những BLV hay tuyển thủ eSports Việt Nam sẽ tiếp tục phải vượt qua.
Mạnh An hi vọng có thể thay đổi những định kiến đó. Anh dự định sẽ trở thành một giảng viên eSports sau khi giải nghệ với công việc BLV. "Nhiều bậc cha mẹ chưa nhận ra rằng game có thể dạy cho bạn nhiều kĩ năng quan trọng như suy nghĩ logic, hay cách để phản ứng nhanh với những sự thay đổi", anh nói. "Nhưng tôi luôn nói với người hâm mộ của mình rằng, điều quan trọng nhất vẫn là phải cân bằng giữa game và những công việc khác trong cuộc sống".
Tác giả: Thu Huong Le - KrASIA
Bài viết liên quan
Trở lại sau một thời gian dài tạm hoãn vì điều tra tiêu cưc, VCS lại tiếp tục gặp sự cố nghiêm trọng khiến trận đấu giữa Team Secret và Team Whales phải rời lịch.
Ngay trước ngày tham dự CKTG ĐTCL, tuyển thủ Việt Nam Trần Văn Ngọc – Ngọc 6 Múi đã bị réo tên trong drama lớn và bị Riot Games cấm thi đấu 12 tháng.
Một năm tuyệt vời dành cho fan LMHT Việt Nam khi TP.HCM sẽ đón đội tuyển Gen.G, còn Hà Nội thì là cuộc hội ngộ của dàn tuyển thủ anh tài LCK.
Trận đấu tâm điểm mở màn cho lượt đi của LCK Mùa Xuân 2024 giữa T1 và Gen.G đã đem đến cho cộng đồng LMHT một trận đấu vô cùng hấp dẫn và căng thẳng.
Keria đã có những chia sẻ trên livestream gần đây về các chiến thuật của T1 tại kỳ CKTG lần này.
Điều các fan mong chờ rất nhiều năm cuối cùng Faker cũng đã thực hiện.
Levi và các đồng đội đã có ngày ra quân không thể tốt hơn tại CKTG 2024 và đây là bước đà để GAM có thể tiến xa hơn tại CKTG 2024.
Đọc nhiều