cover-news

Đây là cách eSports đối phó với đại dịch Covid-19

01/04/2020 17:12
Chr1z
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các giải đấu eSports phải điều chỉnh cách tổ chức để tiếp tục phục vụ người hâm mộ.

Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều giải đấu thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, từ Ngoại hạng Anh, Champions League, Thế vận hội cho đến các giải thể thao điện tử (eSports).

Trong những năm qua, các giải đấu eSports được tổ chức hoành tráng, chuyên nghiệp giống như nhiều bộ môn truyền thống để thu hút khán giả mới, vượt qua khuôn khổ một trò chơi điện tử.

Tuy nhiên trong tình hình này, nhiều giải đấu eSports đã "phải quay về bản chất của mình" theo lời Dominique Gelineau, giám đốc đội tuyển Toronto Ultra đang chơi tại Call of Duty League.


Nhiều giải đấu eSports phải chuyển sang tổ chức online trước tình hình đại dịch Covid-19. Ảnh: Dot eSports.

Không hoãn giải nhưng tổ chức online, không khán giả

Nhiều tuần gần đây, các giải đấu eSports lớn như Call of Duty League (CDL), Overwatch League, ESL Pro League hay các giải thuộc Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) đã chuyển sang thi đấu online. Thông thường, chúng được tổ chức tại các studio hoặc nhà thi đấu dưới sự cổ vũ cuồng nhiệt của người hâm mộ.

Việc chuyển sang thi đấu online đã khiến các tuyển thủ, bình luận viên và ban tổ chức có những trải nghiệm thú vị.

Tháng 2 vừa qua, IEM Katowice 2020, một trong những giải đấu CS:GO hàng đầu thế giới đã diễn ra trên sân vận động 11.000 chỗ ngồi không khán giả sau khi chính quyền Ba Lan áp đặt lệnh cấm tụ tập đông người.



Nhà thi đấu Spodek nơi tổ chức giải IEM Katowice 2020 không có khán giả đến xem. Ảnh: HLTV, Getty Images.

Tất nhiên, một giải đấu toàn cầu như ESL Pro League khi tổ chức online sẽ gây ra nhiều vấn đề. Không phải mọi khu vực đều có điều kiện cơ sở vật chất và đường truyền mạng như nhau. Do đó mùa giải này sẽ chỉ dành cho các đội đến từ châu Âu và Mỹ.Cũng trong thời điểm đó, ban tổ chức giải ESL Pro League phải thay đổi kế hoạch. Thay vì tổ chức cả mùa giải trong studio ở Malta, riêng trận chung kết tổ chức tại Denver (Colorado, Mỹ) thì toàn bộ mùa giải sẽ diễn ra theo hình thức online.

Một giải đấu khác cũng tổ chức online hoàn toàn đó là giải Liên Minh Huyền Thoại khu vực Mỹ và Canada (LCS). Quyết định được đưa ra sau khi phương án tổ chức tại studio không khán giả bị hủy bỏ.

Tại Việt Nam, các giải eSports đã có những quyết định từ khá sớm. Ngày 7/2, ban tổ chức giải đấu LMHT Việt Nam (VCS) quyết định tạm thời không bán vé theo dõi trực tiếp các trận đấu thuộc khuôn khổ Mùa Xuân 2020 để bảo vệ tuyển thủ và khán giả trước dịch bệnh.


Giải VCS Mùa Xuân 2020 cũng phải tổ chức online vì đại dịch, không có camera quay cận mặt game thủ như trước. Ảnh: VETV7 eSports/YouTube.

Trong thời gian đầu, các tuyển thủ vẫn tập trung tại nhà thi đấu GG Stadium, tuy nhiên khi lệnh cấm tụ tập được ban hành rộng rãi bởi chính quyền TP.HCM, từ ngày 27/3 giải đấu đã được tổ chức online hoàn toàn.

Trước đó, giải LMHT chuyên nghiệp Hàn Quốc (LCK) cũng quyết định tổ chức thi đấu không khán giả, sau đó là online để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an toàn cho các game thủ trước diễn biến dịch phức tạp.

Đảm bảo mọi thứ diễn ra suôn sẻ, công bằng

Trong khi các tuyển thủ thi đấu tại nhà hoặc phòng tập, ban tổ chức ESL Pro League vẫn đến phim trường để sản xuất và phát trực tiếp giải đấu. Ngày thi đấu online đầu tiên của ESL Pro League thậm chí không có camera quay cận mặt game thủ.

"Sang ngày thứ 2, thứ 3 và sau đó, chúng tôi bắt đầu cải thiện nhiều hơn, bao gồm các đoạn phỏng vấn trực tiếp từ nơi thi đấu. Chúng tôi muốn đảm bảo mọi thứ diễn ra như bình thường", Craig Levine, giám đốc chiến lược giải ESL Pro League chia sẻ.



Phông nền các bình luận viên giải LCS chính là phòng riêng của họ, có người còn ẵm cả chó cưng. Ảnh: LoL VOD Library/YouTube, LCS/Twitter.

Khác với ESL Pro League, ban tổ chức giải LCS được làm việc tại nhà, với các phần mềm hỗ trợ giúp việc tổ chức, bình luận diễn ra suôn sẻ nhất.

Giải đấu cũng bổ sung những quy định riêng để tránh gian lận khi chơi tại nhà. Với LCS, máy tính thi đấu được cài phần mềm quay màn hình, các tuyển thủ sẽ liên lạc thông qua máy chủ Discord riêng của ban tổ chức, đoạn livestream cũng có độ trễ nhất định nhằm tránh mang lại lợi thế cho các game thủ.

Tương tự, giải ESL Pro League cũng phát triển công cụ chống hack độc quyền, giám sát người chơi bằng webcam.

Tất nhiên, một số lý do ngoài ý muốn đã xảy ra. Nhiều kênh tiếp sóng giải đã gặp tình trạng kết nối kém do tiêu thụ quá nhiều băng thông Internet.

Các tuyển thủ chuẩn bị như thế nào?

Gelineau từ Toronto Ultra cho biết toàn đội vẫn giữ lịch tập luyện như cũ. Khó khăn nhất là phải mang đến sự yên tâm cho các tuyển thủ trẻ. Dù mùa giải chưa bắt đầu, toàn đội phải làm quen ngay từ bây giờ để giữ sự tập trung lúc thi đấu.

Văn phòng của Gen.G eSports tại Los Angeles vẫn hoạt động với lượng nhân viên "tối thiểu", đảm bảo khoảng cách xã hội để tránh virus lây lan. Đây là đại bản doanh của đội tuyển Gen.G tham gia các giải Fortnite, CS:GO và NBA 2K.

Một số đội khác thì cho các tuyển thủ về nhà riêng. Với đội tuyển Complexity Gaming thi đấu tại giải ESL Pro League, các game thủ sống trải khắp Đan Mạch, đặc biệt một tuyển thủ đã về Bulgaria. Theo đại diện đội tuyển, đây là giải pháp an toàn thay vì tập trung toàn đội tại Texas (Mỹ).

Không chỉ các giải đấu thể thao và đội tuyển tham gia, mọi người cũng đang chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó với dịch vốn đang diễn biến khó lường.

Khi nhu cầu giải trí tại nhà tăng cao, các giải eSports là một trong những lựa chọn hàng đầu. Một số giải đã ghi nhận lượt xem tăng mạnh khi tổ chức dưới hình thức online.


Ngày đầu tiên của ESL Pro League 2020 tổ chức online thu hút lượng người xem kỷ lục.

Trong ngày thi đấu thứ nhất của ESL Pro League ngày 17/3 đã ghi nhận hơn 146.000 người xem trực tiếp qua livestream, tăng 27% so với mùa trước, lượt người xem của ngày thứ 2 còn cao hơn, lên đến 268.000.

Giải Liên Minh Huyền Thoại Trung Quốc (LPL) cũng ghi nhận số lượt xem tăng 30% so với năm ngoái khi tổ chức online giữa đại dịch.

"Khi số phận các loại hình giải trí, giải đấu thể thao khác trở nên tăm tối, chúng tôi (các giải eSports) lại vô tình hưởng lợi", Levine thừa nhận đây là lợi thế của giải eSports so với các giải thể thao vốn không thể tổ chức online.

Theo Zing.vn

Bình luận

Bạn hãy đăng nhập để có thể bình luận

Bài viết liên quan

Không còn là tin đồn, kkOma chính thức trở lại đội tuyển T1 với vai trò HLV trưởng

21/11/2023 12:11

T1 chấm dứt mạch thua và phục thù "đại chiến viễn thông" thành công

27/07/2024 13:00

CEO Gen.G hé lộ thực trạng báo động về việc thiếu hụt nguồn nhân tài cho bộ môn LMHT

18/06/2024 15:00

'Global Ban' Zeros vỡ nợ lên đến 5 tỷ vì tham gia 'bet độ'

08/02/2024 10:52

GAM ESPORTS CHÍNH THỨC LÀ NHÀ VÔ ĐỊCH VCS 2024 MÙA HÈ

18/06/2024 10:37

Deft tái hợp với BeryL tại KT, "khắc tinh" của T1 chính là đây

04/12/2023 11:06

Cập nhật tin chuyển nhượng LCK: Gen.G chính thức công bố Super Team 2024 - BeryL và Deft tái hợp

21/11/2023 16:21
Xem thêm